Bạn đã đọc vô số sách hướng dẫn làm cha mẹ, lùng sục Internet để tìm lời khuyên và hỏi han bác sĩ rất kỹ. Tuy nhiên, bạn vẫn không tránh khỏi một số bất ngờ trong hành trình làm mẹ. Sau đây là vài lời khuyên mà có thể bạn vẫn chưa biết khi chuẩn bị cho bé yêu của mình.

Lời khuyên 1: Không phải lúc nào mệt bé cũng ngủ.

Điều này nghe như trái logic nhưng không phải lúc nào trẻ mệt cũng đồng nghĩa với việc trẻ sẽ ngủ yên. Thật vậy, trẻ mệt mỏi quá mức sẽ có xu hướng cáu kỉnh và quấy khóc khó dỗ. Bí quyết ở đây là hãy trông chừng bé để phát hiện những dấu hiệu cho thấy bé yêu của bạn đang mệt mỏi và đặt bé vào  nôi trước khi bé buồn ngủ quá mức. Một số dấu hiệu báo cho bạn biết thiên thần nhỏ của bạn đang mệt gồm: tay nắm chặt, ngáp, dụi mắt, giật mình hay bấu véo tai. Nếu bạn không nắm bắt được những dấu hiệu này thì cũng đừng thất vọng quá. Khi được vài tháng tuổi, có thể bé sẽ bắt đầu học cách tự xoa dịu mình và điều này sẽ giúp bé dễ tự đi vào giấc ngủ hơn. Nếu bạn thực sự tuyệt vọng không biết làm cách nào để dỗ bé thì hãy đưa bé đi dạo một vòng hoặc ẵm bé trên tay, nhẹ nhàng đu đưa. Thông thường, những cách này sẽ giúp bé chìm vào giấc ngủ.

Lời khuyên 2: Vi trùng có ở khắp mọi nơi.

Khi mới làm mẹ, bạn bỗng nhiên nhận thấy mọi thứ đều có vẻ như mang vi trùng, mầm bệnh và bụi bẩn. Bạn lúc nào cũng sẵn sàng chộp bắt ty ngậm của bé đang rơi trong không trung,  bạn luôn lau sạch sẽ mọi bề mặt cho bé yêu ngay từ khi nhìn thấy dấu hiệu đầu tiên của bất kỳ thứ gì đổ ra hay thức ăn vương vãi. Mặc dù đúng là cho bé tiếp xúc sớm với vi trùng có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của bé nhưng không ai muốn con mình bị ốm. Hãy thực hành kiểm soát mầm bệnh thông minh bằng cách nhất định yêu cầu mọi người phải rửa tay trước khi ẵm bé yêu vừa chào đời của bạn. Ngoài ra, hãy giữ bé tránh xa bạn bè, người thân trong gia đình đang bị bệnh; thường xuyên vệ sinh tẩy trùng nhà cửa và rửa sạch tay bé cũng như tay bạn. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng: một số vi trùng là không thể tránh khỏi. Đừng hoảng hốt nếu bạn thấy bé đút đồ chơi của bạn nó vào mồm  – bạn chỉ có thể kiểm soát vi trùng gây bệnh cho bé tới mức đó thôi.

Lời khuyên 3: Học một số cách xoa dịu bé.

Khi bé yêu của bạn quấy khóc, bạn cần phải biết cách xoa dịu bé và giúp bé nguôi cơn quấy để cả bạn và bé đều cảm thấy thoải mái hơn. Trẻ em không bé nào giống bé nào và mỗi bé thích một thứ khác nhau. Tuy nhiên, mát-xa nhẹ nhàng có thể là cách hữu hiệu để xoa dịu bé yêu của bạn và vỗ về bé khi bé bứt rứt, khó chịu. Hãy thử làm ấm một chút lotion trong tay bạn và mát-xa cho bé bắt đầu từ trán, dọc xuống mũi, má và cằm rồi kết thúc ở cổ bé. Một cách khác để xoa dịu bé sơ sinh nhà bạn là địu bé để giữ bé gần bạn trong khi bạn làm mọi việc quanh nhà.

Lần đầu làm mẹ có thể khiến bạn cảm thấy hoài nghi về bản thân và nếu bạn có những nỗi lo ngại này thì cũng hết sức bình thường. Bạn chỉ cần nhớ rằng bản năng của chính bạn có thể là vũ khí tốt nhất để chống lại nỗi sợ hãi đó. Mỗi lần bạn đối mặt với một thứ gì đó mới mẻ và phải đương đầu với nó, kinh nghiệm sẽ biến bạn thành một bà mẹ tự tin hơn.

ĐỂ LẠI TRẢ LỜI